Pages

Sống Trong Thực Tại


Hòa Thượng Thích Viên Minh, tác giả cuốn sách thổ lộ: “Thiền Phật giáo đã được truyền khắp năm châu, nhưng cũng vì thế mà hiện nay có rất nhiều trường phái khác nhau. Vấn đề là làm thế nào trình bày một pháp thiền vừa hợp với nguyên lý giác ngộ giải thoát, vừa đáp ứng được nhu cầu tu tập thực tiễn của nhiều căn cơ trình độ khác nhau trong bối cảnh thời đại hiện nay, chứ không rập khuôn theo những phương pháp lưu truyền từ các trường phái thiền xưa cũ, mà phần nhiều đã mất gốc hay lỗi thời. 

Thế rồi cơ duyên cũng đến, năm 2007, tập đoàn BTA đến xin đăng ký học thiền. Tập đoàn gồm nhiều doanh nhân có nhiều trình độ, nhiều tôn giáo hoặc không tôn giáo khác nhau. Họ là người có đầu óc khoa học nên thiền dễ tiếp cận hơn là những người mê tín hoặc những kẻ mong cầu năng lực siêu nhiên. 

Nhưng ngoài tính thực dụng thì họ cũng rất lý trí, nên lại là trở ngại lớn cho việc sống thiền vốn rất giản dị hồn nhiên vượt ngoài lý trí. Hơn nữa, mục đích thực tiễn của họ đơn giản chỉ muốn sử dụng thiền như giải pháp cho đời sống, để kinh doanh có hiệu quả hơn, để vượt qua bất an căng thẳng, để nâng cao năng lực thể chất và tinh thần cho đời sống thành đạt và hạnh phúc hơn… 

Tất nhiên, thiền đủ thực tế để có thể đáp ứng được những nhu cầu đó, nhưng không phải là mục đích tối hậu của thiền, nên cũng không thể hy sinh thiền cho những mục đích tầm thường của đời sống dung tục, dù thiền chưa bao giờ tách rời cuộc sống bình thường…

Thiền xa rời cuộc sống là tự cô lập, và đó chỉ là một thứ xa xỉ phẩm không cần thiết từ sự chọn lựa lệch lạch và hư ảo. Thiền phải mở ra một chân trời vô hạn để vượt qua cái hữu hạn tầm thường… Vậy phải vận dụng như thế nào để có thể giúp họ đạt được mục đích bình thường của đời sống, mà vẫn không trái với nguyên lý cứu cánh giác ngộ giải thoát của thiền? 

Mỗi bài giảng của tôi cho mỗi buổi thực tập với các doanh nhân BTA được tập hợp lại, viết thành cuốn sách “Sống trong thực tại”. Những câu hỏi trong cuốn sách cũng là của chính các doanh nhân, đáp ứng nhiều thắc mắc của doanh nhân để vận dụng thiền trong cuộc sống hàng ngày”.

Sống trong thực tại

Trong phần giới thiệu của cuốn sách, Thầy Viên Minh có chỉ rõ: "Thiền không phải là nỗ lực tìm cầu để đạt được cái chưa có mà là buông hết mọi nỗ lực tìm cầu thì liền thấy ra ngay đó đã có tất cả. Nhiều người nỗ lực tu luyện để thấy ra thực tánh pháp (hay kiến tánh) trong trạng thái thiền định xuất thần, hoặc trong những trạng thái siêu hình huyền bí, nhưng tất cả chỉ là ảo giác của cái ta ảo tưởng. Cái ta có thể tạo ra tam giới nhưng chỉ để trói buộc chính mình trong đó mà thôi. 

Thực tánh ở khắp mọi nơi, có thể thấy ngay (sandiṭṭhiko), không qua thời gian (akāliko), nên không cần phải dấn thân tìm kiếm kinh nghiệm một cách manh mún, như chủ nghĩa hiện sinh phương Tây. Ngay khi tâm rỗng lặng trong sáng thì tánh biết liền thấy thực tánh chân đế một cách toàn diện, trong tất cả pháp, chứ không phải chỉ thấy riêng trong một kinh nghiệm pháp đặc biệt nào.

Để người tập thiền thực hiện được điều này, tôi đã trình bày những yếu tố cốt lõi nhất và đơn giản nhất sao cho họ có thể thấy ra nguyên lý sống tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha, mà trong đó phương tiện cũng chính là cứu cánh chứ không phải xem thiền như là phương tiện để nỗ lực đạt được mục đích ở tương lai."

Những yếu tố sống trong thực tại đó được trình bày trong cuốn sách từ chương 1 tới chương 9 như sau:

  1. An nhiên vô sự: tức tâm buông xả (upekkhā), khinh an (lahutā) và thư thái (passaddhi).
  2. Trở về thực tại: tức chánh niệm (sammā sati), sống trọn vẹn với chính mình ngay tại đây và bây giờ.
  3. Thấy biết trong sáng: tức thái độ nhận thức tỉnh giác (sampajaññā) trong chánh kiến (sammā diṭṭhi).
  4. Suy nghĩ chân thực: tức chánh tư duy (sammā saṅkappa) suy nghĩ trung thực với sự kiện đang được thấy biết trong sáng.
  5. Nhiệt tâm cần mẫn: tức chánh tinh tấn (sammā vāyāma) không buông lung phóng dật theo ý đồ của bản ngã.
  6. Bình thản đón nhận: tức nhẫn nại (khantī), không đối kháng với pháp bất như ý hay nghịch cảnh, nghịch nhân.
  7. Hành xử tinh tế: tức giới (sīla), luật (vinaya), hoặc điều học (sikkhāpada) biểu hiện trong chánh ngữ (sammā vācā), chánh nghiệp (sammā kammantā) và chánh mạng (sammā ājīva).
  8. Nội tâm tĩnh lặng: tức chánh định (sammā samādhi), không phải định trong các trạng thái tập trung tư tưởng hay xuất thần.
  9. Ngay đó là bờ: tức pháp Ba-la-mật (pāramī), mười phương diện giúp buông bỏ sự trói buộc của cái ta ảo tưởng để trả về với sự hoàn hảo nguyên thủy của tâm và pháp.

Mình là nơi nương nhờ của chính mình

Thầy Viên Minh chia sẻ: "Tại sao tôi viết “Sống trong thực tại”? Vì sau một thời gian tu tập, tôi cũng thấy té ra ở nơi mình vốn đầy đủ hết. Hạnh phúc chỉ có nơi mình mà thôi. Miền đất hứa, mảnh đất bình an chỉ có trong tâm hồn bạn. Bài kinh “Tứ niệm xứ” đơn giản là nhắc ta đừng quên thực tại, có 4 chỗ để mình cần phải nhớ là Thân, Thọ, Tâm, Pháp… Điều này có thể thực nghiệm được dễ dàng."

Mỗi người tự mình là tối thượng, tự mình là tối tôn, tự mình là tối thắng. Trở lại với chính mình thì không còn đau khổ nữa. Đó chính là bản tuyên ngôn của đạo Phật.

Mình là nơi nương nhờ của chính mình, không phải nương nhờ ai khác. Khi mình trở về với chính mình, thì đó là nơi tối thượng. Tất cả chân lý, hạnh phúc của cuộc sống là ở nơi chính mình. Ngay cả những bậc tu hành đi tìm niết bàn cũng thấy niết bàn đang ở nơi chính mình. Tất cả chúng ta đều đã có sẵn niết bàn, không phải tạo tác để trở thành hay tìm kiếm đâu xa. Tất cả chân lý đều có sẵn, cả bên trong và bên ngoài.

Trong cuốn sách, Thầy khuyên chúng ta: Nếu một lúc nào đó bạn đầy lo âu sợ hãi, đừng cầu nguyện mà hãy trở về trọn vẹn với chính mình, bạn sẽ thấy điều kỳ diệu không thể ngờ được. Ngay trong đau khổ, hãy trở về trọn vẹn với cảm giác đau khổ đó, bạn sẽ thấy đau khổ đó lại là hạnh phúc.

Đó là điều kỳ diệu. Cuộc đời có thể là bể khổ nhưng bản chất cuộc đời không phải là bể khổ. Chỉ có mỗi người đang tự tạo ra bể khổ cho chính mình.

Cuộc sống này tự nó vốn đã hoàn hảo, vì chúng ta không thấy ra được sự hoàn hảo đó nên vô minh, nên mới chạy theo sự hoàn hảo mình tưởng tượng ra, từ đó sinh ra ái dục.

Thật ra, cuộc sống này là một điều rất kỳ diệu, bởi qua cuộc sống mình thấy lại mình, và cuộc đời như là tấm gương để mình soi lại chính mình. Trong cuộc sống mình hay giải quyết cái ngọn chứ ít khi giải quyết cái gốc, và làm như vậy thì không bao giờ mình hài lòng cả...

Mình sinh ra không phải để thay đổi cuộc đời, mà cuộc đời sinh ra để thay đổi chính mình

Một tu sĩ từng nói “Mình sinh ra không phải để thay đổi cuộc đời, mà cuộc đời sinh ra để thay đổi chính mình”.

Cuộc đời dù thành công hay thất bại, dù được hay mất, dù hơn hay thua thì điều quan trọng là ở đó mình học được bài học gì để thấy ra chính mình. Bản chất đời sống vốn hoàn hảo, chỉ tại mình nhận thức sai, và hành động sai và phải chịu trách nhiệm cho những hành động đó.

Trong cuộc đời này thường người ta sợ và tránh nỗi đau, nhưng điều đó là không thể. Thực ra, nỗi đau là cần thiết để nhận ra hạnh phúc thật sự, bởi cuộc sống này vô cùng cao đẹp, cuộc sống này không phải là bể khổ và chính những nỗi đau trong cuộc sống giúp mình trở về với nguồn hạnh phúc đích thực của chính mình.

                           Hãy liên hệ chị Hồng Vân 0902 808 569 để mua sách!                              
Tên sách: Sống Trong Thực Tại
Tác giả: Thích Viên Minh
Bìa sách: Bìa mềm
Số trang: 227
Xuất bản: Nhà xuất bản Phương Đông
Giá bán: 45.000 VND

Unknown

Phasellus facilisis convallis metus, ut imperdiet augue auctor nec. Duis at velit id augue lobortis porta. Sed varius, enim accumsan aliquam tincidunt, tortor urna vulputate quam, eget finibus urna est in augue.

2 nhận xét:


  1. Wow, amazing blog layout! How long have you been running a blog for? you made running a blog glance easy. The entire look of your website is wonderful, as well as the content material!
    gmail login

    Trả lờiXóa
  2. "SẮC SẮC, KHÔNG KHÔNG
    SẮC BẤT THỊ KHÔNG, KHÔNG BẤT THỊ SẮC"🙏🙇🕊

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.